Trước những bất cập về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô công thời gian qua, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 04/2019/NĐ- CP về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.
Ông Nguyễn Tân Thịnh – Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, sau cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì vào ngày 24/8/2022 với các tổng cục, một số đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính để lấy ý kiến về dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 04/2019/NĐ – CP về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, sau khi ghi nhận, tiếp thu ý kiến của các thành viên tham dự cuộc họp, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo để lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Chính phủ.
Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô. Ảnh minh họa
Cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính cho biết, dự thảo nghị định được xây dựng trên quan điểm: Xe ô tô cùng với các tài sản khác (trụ sở làm việc, máy móc thiết bị…) là cơ sở vật chất, điều kiện cần thiết để phục vụ công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công cho xã hội; sự phù hợp của tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô là cơ sở để các cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Theo đó, căn cứ danh mục chức danh, chức vụ quy định tại Kết luận số 35- KL/TW ngày 5/5/2022, Bộ Tài chính trình Chính phủ tiếp tục duy trì cách phân chia các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô thành 4 nhóm như quy định hiện hành.
Nhóm 1: Chức danh được sử dụng thường xuyên xe ô tô kể cả khi đã nghỉ công tác, không quy định mức giá (gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội);
Nhóm 2: Chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô trong thời gian công tác, không quy định mức giá (gồm: Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội);
Nhóm 3: Chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô trong thời gian công tác có quy định mức giá mua tối đa;
Nhóm 4: Chức danh được sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và đi công tác có quy định mức giá mua tối đa.
Đồng thời, dự thảo nghị định cũng sắp xếp lại các chức danh thuộc Nhóm 3, Nhóm 4 cho phù hợp với Danh mục ban hành kèm theo Kết luận số 35-KL/TW (Nhóm 3 chia thành 3 bậc, Nhóm 4 chia thành 7 bậc); điều chỉnh giá mua xe ô tô tối đa của Nhóm 3, Nhóm 4 cho phù hợp với giá xe ô tô thực tế trên thị trường của loại xe đang được sử dụng phổ biến phục vụ công tác của các chức danh tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Bổ sung chế độ trang bị xe ô tô phục vụ chức danh thuộc Nhóm 2 theo hình thức giao, điều chuyển để phù hợp với tình hình thực tế, tiết kiệm chi phí trang bị mới.
Về tiêu chuẩn, định mức xe ô tô phục vụ công tác chung, dự thảo nghị định giữ nguyên cách phân chia các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thành các nhóm khác nhau để xác định định mức. Tuy nhiên, trong mỗi cấp có sự điều chỉnh về cách xác định định mức cho phù hợp với quy mô, tính chất, phạm vi hoạt động, địa bàn hoạt động, cơ chế tự chủ… của đơn vị.
Về giá mua xe ô tô phục vụ công tác chung, quy định về giá mua đã được duy trì từ năm 2010 cho đến nay. Trong bối cảnh, thời gian sử dụng của xe ô tô theo chế độ đã được điều chỉnh từ 10 năm thành 15 năm, hệ thống đường bộ đã được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp để xe lưu thông với vận tốc cao, đồng thời giá mua xe hiện nay đã có biến động tăng so với năm 2010.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho xe và người sử dụng xe, việc điều chỉnh giá mua xe ô tô phục vụ công tác chung cũng như qua khảo sát giá mua mới của dòng xe được sử dụng phổ biến để phục vụ công tác chung, Bộ Tài chính trình Chính phủ mức giá mua xe loại 1 cầu tối đa là 950 triệu đồng/xe; trường hợp cần trang bị loại xe ô tô 7 hoặc 8 chỗ 2 cầu, mức giá tối đa là 1,6 tỷ đồng/xe; xe từ 12-16 chỗ ngồi, mức giá tối đa là 1,3 tỷ đồng/xe…
Theo: taisancong.vn
Các bài viết liên quan