Chỉ số hạnh phúc toàn cầu" của Việt Nam tăng 12 bậc

03 Th04, 2023 - Xem: 932

Thủ tướng cho biết trong quý I, kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát. Đặc biệt, đời sống của nhân dân được cải thiện khi "Chỉ số hạnh phúc toàn cầu" của Việt Nam tăng 12 bậc.

Ngày 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2023.

Hội nghị tập trung thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng năm 2023; tình hình triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội quý II năm 2023 và thời gian tới; đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2022.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý cho biết chúng ta đã kết thúc quý I, bước vào quý II của năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Chỉ số hạnh phúc toàn cầu của Việt Nam tăng 12 bậc - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị trực tuyến với các địa phương (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Các nhiệm vụ, giải pháp được nỗ lực thực hiện trong bối cảnh hậu quả của đại dịch Covid-19 chưa khắc phục được hết, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt hơn, kinh tế thế giới có xu hướng sụt giảm, lạm phát của các nước tuy hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao.

Bên cạnh đó, các nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, cầu giảm, thị trường thu hẹp, nhất là các thị trường lớn của Việt Nam, giá một số mặt hàng chiến lược, nguyên vật liệu đầu vào không ổn định, nhất là giá dầu.

Ngoài ra còn nhiều yếu tố bất ổn, rủi ro gia tăng, niềm tin suy giảm trên thị trường tài chính toàn cầu, một số ngân hàng tại Mỹ, châu Âu ngừng hoạt động, phá sản.

Trong nước, quy mô nền kinh tế khiêm tốn nhưng có độ mở cao, sức chống chịu có hạn. Theo người đứng đầu Chính phủ, một biến động nhỏ bên ngoài cũng có thể tác động lớn đến bên trong, trong điều kiện một nước phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi.

Dù bối cảnh nhiều thách thức, Thủ tướng cho biết cả nước cơ bản đạt được các mục tiêu lớn như giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, tăng cường, mở rộng đối ngoại và hội nhập.

Đặc biệt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện, Liên Hợp Quốc vừa công bố xếp hạng "Chỉ số hạnh phúc toàn cầu" của Việt Nam tăng 12 bậc.

Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ nhận định còn nhiều khó khăn, "thách thức nhiều hơn cơ hội".

Phân tích cụ thể hơn những thách thức này, Thủ tướng cho biết sự hồi phục của doanh nghiệp sau Covid-19 còn nhiều khó khăn liên quan tới tiếp cận vốn, đất đai, thủ tục hành chính rườm rà, thị trường bị thu hẹp.

Các thị trường bất động sản, vốn, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ để các thị trường ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững.

Chỉ số hạnh phúc toàn cầu của Việt Nam tăng 12 bậc - 2

Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về tình hình KTXH (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Cũng theo Thủ tướng, việc khắc phục các vấn đề liên quan tới cung ứng thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế cần nỗ lực, quyết liệt hơn nữa. Ông cũng cho rằng phản ứng chính sách của các bộ, ngành, địa phương cần kịp thời, hiệu quả hơn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân để phục hồi tốt hơn.

Thời gian qua, Thủ tướng đánh giá 3 nhóm công việc lớn được triển khai tích cực gồm: Các vấn đề tồn đọng, kéo dài cần nhiều thời gian để giải quyết như các dự án thua lỗ, ngân hàng yếu kém; các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều hơn, nặng nề hơn với đòi hỏi ngày càng cao hơn khi quy mô nền kinh tế lớn hơn, dân số đông hơn; xử lý, ứng phó với các vấn đề đột xuất, bất ngờ.

Thủ tướng đề nghị đại biểu tập trung đánh giá khách quan về kết quả, hạn chế, phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm của những vấn đề thực tế. Từ đó đưa ra nhận định tình hình, xác định các nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục hạn chế, vượt qua các khó khăn, thách thức.


KHÁCH HÀNG/ĐỐI TÁC