Gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản. Ảnh: TL
Có 19 ngân hàng đã cam kết giảm lãi suất cho vay
Hiện nay, thị trường bất động sản (BĐS) đang trong thời điểm rất khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền; thiếu nguồn cung nhà ở đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý, thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, thừa nhà ở cao cấp; giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân nên khó tạo lập được nhà ở.
Bên cạnh đó, “vướng mắc pháp lý” của thị trường BĐS chiếm 70% khó khăn của các dự án BĐS, nhà ở, nếu không có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả, thị trường BĐS có thể trượt vào suy thoái kinh tế, tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.
Trước tình hình này, giữa tháng 11, Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS đã được thành lập. Tổ công tác đã làm việc trực tiếp với các địa phương để tìm hiểu các nguyên nhân gây ra "điểm nghẽn", chủ yếu nằm ở thủ phục pháp lý.
Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký công điện về tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, với các chỉ đạo cụ thể tới các bộ, ngành liên quan, các địa phương. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương, ngân hàng thương mại cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật; ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội.
Thông tin mới nhất từ Hiệp hội ngân hàng cũng cho biết, có 19 ngân hàng đã cam kết giảm lãi suất cho vay. Để thực hiện được điều này, các ngân hàng đồng thuận áp dụng mức lãi suất huy động tối đa là 9,5%/năm, ở tất cả các kỳ hạn. Thêm nữa, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng thêm 1,5 - 2%, một số dự án BĐS đang triển khai và những người mua nhà đang có hợp đồng giải ngân dở dang đã nhanh chóng liên hệ với các ngân hàng thương mại, để có thể thực hiện nốt khoản vay.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá: "Việc xây dựng nghiên cứu đưa ra các nhóm giải pháp, đặc biệt lập ra các nghị định, sửa nhiều nghị định thì chúng tôi cho rằng đây là tính quyết liệt rất mạnh của Chính phủ. Cộng đồng các doanh nghiệp BĐS đều mong muốn sẽ có những thay đổi để đẩy nhanh thủ tục pháp lý cho các dự án. Riêng với từng doanh nghiệp, họ cũng phải vạch ra các giải pháp riêng để vượt qua giai đoạn khó khăn này".
Nhằm tháo gỡ, kích hoạt thị trường BĐS trong nước và các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nội địa, theo ông Đính, cần phải thúc đẩy hoạt động phát triển cho những dự án BĐS phù hợp với nhu cầu của người dân; cần có thêm cơ chế cho những dự án thương mại cao cấp khi chuyển đổi thành sản phẩm phù hợp với đa số người dân. Bổ sung ưu tiên dòng tiền và điều chỉnh chính sách phù hợp nhằm khơi thông nguồn vốn cho các dự án mang những tính chất trên.
Đồng thời, phải đẩy nhanh tiến độ chỉnh sửa luật, nội dung cần bám sát thực tế, tháo gỡ được các điểm nghẽn hiện hữu. Nếu có sự vướng mắc thì nhanh chóng cập nhật, sửa đổi, công khai để người dân nắm rõ, củng cố lại niềm tin cho thị trường…
Xây dựng 3 kịch bản cho thị trường bất động sản năm 2023
Nhiều chuyên gia kinh tế đã đánh giá thị trường BĐS năm nay phát triển khá bất thường và có sự khác biệt so với thế giới và khu vực. Nguyên nhân chính là do thị trường đã và đang điều chỉnh rất mạnh sau 3 năm tăng nóng. Trong đó, cả doanh nghiệp và nhà đầu tư đã dùng đòn bẩy tài chính tương đối nhiều; đầu cơ và cuối cùng là tâm lý đám đông vẫn còn nặng nề.
Những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, thị trường BĐS sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái nếu Nhà nước không sớm ban hành các giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả.
Hiện nay, Chính phủ và các địa phương đang tích cực nhận diệ n những “điểm nghẽn” của thị trường BĐS để có giải pháp trước mắt và căn cơ để tháo gỡ, thúc đẩy thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.
Nhìn lại giai đoạn phát triển của thị trường BĐS cho thấy, giai đoạn 2007 - 2010, với chính sách tiền tệ nới lỏng, tăng trưởng tín dụng năm 2007 lên đến trên 50%. Đến năm 2011, lãi suất cho vay lên đến 21 - 25%/năm, chính sách tiền tệ thắt chặt đột ngột và nhiều nguyên nhân khác dẫn đến thị trường BĐS rơi vào khủng hoảng.
Còn giai đoạn hiện tại, năm 2022, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, quyết liệt kiểm soát lạm phát đi đôi với chống suy thoái kinh tế, năm 2022 không quá 14%; đầu tháng 12/2022 đã nới room tín dụng thêm 1,5 - 2% giúp cải thiện tâm lý cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Do vậy, các chuyên gia phân tích của Hiệp hội BĐS Việt Nam đã xây dựng 3 kịch bản cho thị trường BĐS với diễn biến như sau:
Kịch bản 1 - Thị trường tiếp tục điều chỉnh theo hướng thu hẹp. Trong bối cảnh các nguồn tiền không có đột biến; các chính sách cũng phải đến cuối năm 2023 mới được thông qua - nhiều khả năng thị trường sẽ phát triển theo xu thế.
Kịch bản 2 - Thị trường có động năng mới do ban hành bộ ba luật: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS xuất hiện nhiều yếu tố thuận lợi đồng thời với tình hình trong và ngoài nước ổn định và vốn nước ngoài tiếp tục vận hành vào. Khi đó, vốn trong nước sẽ được kích hoạt và hấp thu để đón chờ một chu kì đi lên mới. Thị trường BĐS bắt đầu tăng trưởng.
Kịch bản 3 - Kinh tế thế giới khó khăn và kinh tế trong nước bị ảnh hưởng đồng thời với kinh tế vĩ mô diễn biến đi ngang. Thị trường BĐS sẽ đi xuống do các khoản nợ đến hạn, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp. Thị trường BĐS bắt buộc phải điều chỉnh giảm để cơ cấu lại thị trường./.
Các bài viết liên quan