Không có khái niệm biển số đẹp
Thảo luận tại tổ, ông Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, từ năm 2009 đến nay, số ô tô đăng ký trên cả nước lên tới hơn 5 triệu chiếc. Chính vì vậy, việc ban hành Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số ô tô thông qua đấu giá sẽ tăng thu ngân sách cho Nhà nước.
Ông nói, trước đây, nhiều địa phương đã xin cơ chế riêng, áp dụng đấu giá biển số xe để lựa chọn những biển số yêu thích. Song, thời điểm đó chưa thống nhất nên không thực hiện được. Đến bây giờ, nhu cầu tăng cao là thời điểm thích hợp để thực hiện việc đấu giá biển số ô tô.
Ông Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội (ĐBQH đoàn TP Hồ Chí Minh)
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, khi soạn thảo nghị quyết, Ban soạn thảo không quan niệm biển số đẹp. Biển số đấu giá là biển số theo yêu thích của mỗi người. Có người quan niệm biển ngũ quý 9, ngũ quý 8 là đẹp, nhưng có người lại lựa chọn biển số dưới góc độ phong thuỷ, tử vi.
"Cơ quan soạn thảo là Bộ Công an, cơ quan thẩm tra là Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội không đồng ý có khái niệm biển số đẹp. Những số trong kho biển số được lựa chọn ngẫu nhiên. Ai thích số nào có thể lựa chọn để tham gia đấu giá", ông Đức nói.
Về vấn đề thừa kế, cho tặng, chuyển nhượng, theo ông Đức, nhiều người thắc mắc, những người trúng đấu giá ban đầu với số đã được đăng ký cho ô tô đó, sau này có quyền cho tăng, thừa kế không? Ban soạn thảo đang tính toán, đề xuất không cho phép cho tặng, chuyển nhượng vì tuổi xe ô tô có hạn, không giống như các tài sản khác được. Và, biển số chỉ là vật phụ, gắn lên vật chính là ô tô.
Về hình thức đấu giá biển số, ông Đức thông tin sẽ không đấu giá trực tiếp mà đấu giá trực tuyến. Đơn vị tổ chức đấu giá sẽ đưa lên mạng toàn bộ kho số, sau đó người dân thoải mái lựa chọn, ở bất cứ đâu, vùng miền nào, thậm chí đang ở nước ngoài cũng có thể đăng ký, lựa chọn được.
Có được đấu giá biển số xe mới trả biển cũ?
Góp ý về dự thảo Nghị quyết, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội phân tích, trong quá trình tổ chức đấu giá biển số xe theo nhu cầu sẽ phát sinh tình huống người đã có ô tô, xe đã có biển số nay muốn đấu giá lấy biển số mới để đổi biển cũ thì có được phép? Từ đó, đại biểu cho rằng, nên cho phép đấu giá biển mới trả biển cũ.
Về mức giá, đại biểu Trần Sỹ Thanh đề xuất, dự thảo Nghị quyết nên giao cho các địa phương tự quyết mức giá, giá khởi điểm biển số. Nguồn thu từ việc đấu giá thì ngân sách địa phương được thụ hưởng.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề xuất địa phương được chủ động trong việc đề ra mức giá, giá khởi điểm khi đấu giá biển số xe ô tô
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP Hà Nội nhận định, giá khởi điểm rất quan trọng, nếu không đưa vào không thể thực hiện được.
Theo ông Trung mức giá 40 triệu đồng là ngang bằng với lệ phí trước bạ ô tô ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, 20 triệu là phí áp dụng ở các địa phương khác. Trường hợp chỉ quy định 1 mức giá chung thì nên để 40 triệu đồng là hợp lý.
Theo dự thảo, mức khởi điểm đấu giá biển số ô tô được chia làm hai vùng: Vùng 1 gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có mức 40 triệu đồng; vùng 2 là các địa phương còn lại 20 triệu đồng.
Về sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số ô tô thông qua đấu giá, đại biểu Nguyễn Hải Trung cho rằng, việc này nhiều nước trên thế giới như Anh, Australia… đã triển khai cách đây khá lâu.
Ở Việt Nam từ năm 1993, 2008 đã đặt ra vấn đề này nhưng do thiếu cơ chế pháp lý nên chưa triển khai được. Việc đấu giá biển số xe đảm bảo ích nước lợi nhà, công khai minh bạch nên cần được thực hiện sớm trên phạm vi toàn quốc.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Hải Trung, biển số xe sau khi trúng đấu giá là tài sản của dân nhưng cần làm rõ Nhà nước sẽ quản lý ra sao, chống đầu cơ như thế nào. Hiện có ý kiến cho rằng phải có xe mới đăng ký tham gia đấu giá biển và có quyền sử dụng suốt đời biển số đó.
Theo: vtv.vn
Các bài viết liên quan