Hạn chế quyền lợi người trúng đấu giá biển số để tránh đầu cơ

21 Th10, 2022 - Xem: 1026

Biển số vừa là tài sản cá nhân, vừa là công cụ quản lý của Nhà nước nên cần hạn chế một số quyền tài sản để tránh đầu cơ và phức tạp khi xử lý.

Sáng 21/10, Bộ trưởng Công an Tô Lâm thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá.

Theo ông Tô Lâm, biển số đấu giá nền trắng, chữ, số màu đen và chưa được đăng ký, nằm trong cơ sở dữ liệu của Bộ Công an. Việc đấu giá được thực hiện trực tuyến, mức khởi điểm chia làm 2 vùng. Vùng 1 gồm Hà Nội và TP HCM 40 triệu đồng; vùng 2 các địa phương còn lại 20 triệu đồng.

Người trúng đấu giá được cấp văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá; được đăng ký biển số gắn với ôtô thuộc sở hữu của mình; được giữ lại biển số khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình; được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số theo xe, nhưng người nhận biển số theo xe sẽ không có những quyền trên.

Trong 12 tháng kể từ ngày có văn bản xác nhận biển số đấu giá, nếu người trúng đấu giá chết nhưng biển số chưa đăng ký gắn với xe thì được hoàn trả số tiền trúng đấu giá đã nộp sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định. Người thừa kế của người trúng đấu giá tiếp nhận số tiền này.

Người đấu giá thắng phải nộp đủ tiền sau 15 ngày và đăng ký gắn biển số với xe trong 12 tháng từ khi được xác nhận trúng đấu giá. Quá thời hạn nêu trên, cơ quan có thẩm quyền thu hồi biển số trúng đấu giá.


Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới. Ảnh: Media Quốc hội

 

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho biết cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với quyền, nghĩa vụ người trúng đấu giá. Biển số ôtô vừa là tài sản cá nhân, vừa là công cụ quản lý nhà nước nên cần thiết hạn chế một số quyền tài sản của người trúng đấu giá vì lý do quản lý nhà nước về an ninh, trật tự.

"Việc này còn nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ biển số và tránh gây phức tạp trong việc xử lý hệ quả thí điểm đối với các biển số ôtô được cấp thông qua đấu giá", ông Lê Tấn Tới cho hay.

Ủy ban Quốc phòng An ninh cũng nhất trí với thời hạn đăng ký xe sau khi trúng đấu giá là 12 tháng để thu hút được nhiều người tham gia hơn và phù hợp với thực tiễn nhiều loại xe sau khi đặt mua phải chờ đợi lâu.

Tuy nhiên, việc quy định giá khởi điểm khác nhau giữa các địa phương theo Ủy ban là không có ý nghĩa khi người tham gia đấu giá trên phạm vi toàn quốc. Cơ quan thẩm tra đề xuất áp dụng thống nhất một mức giá khởi điểm là 40 triệu đồng.

Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tham gia ý kiến tập trung vào loại biển số ôtô đưa ra đấu giá; giá khởi điểm, tiền đặt trước và mức giá; hình thức, trình tự, thủ tục đấu giá biển số; quyền, nghĩa vụ của người trúng đấu giá và người nhận chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số ôtô theo xe.

Việc đấu giá biển số xe đẹp được Cục Cảnh sát giao thông đề xuất từ năm 1993, tuy nhiên gặp bế tắc vì Luật Đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá, các bộ liên quan không có căn cứ pháp lý triển khai. Hải Phòng, Bình Thuận, Nghệ An từng "vượt rào" tổ chức đấu giá biển số xe, thu hàng tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo, nhưng đã bị Bộ Tài chính, Bộ Công an "tuýt còi".

Tháng 12/2019, Văn phòng Chính phủ đã làm việc với Bộ Công an và thống nhất đẩy nhanh tiến độ, đưa việc đấu giá lên Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn).

Theo chương trình kỳ họp, ngày 26/10, nghị quyết về đấu giá biển số sẽ được các đại biểu thảo luận tại tổ, sau đó thảo luận tại hội trường ngày 7/11 và thông qua chiều 15/11.

Theo: vnexpress.net


KHÁCH HÀNG/ĐỐI TÁC